THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA THỔ NHĨ KỲ 

VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - THỔ NHĨ KỲ


I. CHÍNH TRỊ

- Thể chế: Cộng hoà Tổng thống

- Hiện nay, ở Thổ có những đảng phái chính trị chủ yếu sau (trong tổng số 48 đảng hiện có tại Thổ):

​ 1. Đảng Công lý và Phát triển (Justice and Development Party - AKP).

2. Đảng Nhân dân Cộng hoà (The Republican People’s Party - CHP).

3. Đảng Hành động Quốc gia (National Action Party - MHP).

4. Đảng Dân chủ nhân dân (People’s Democracy Party - HDP).

5. Đảng Dân chủ cánh tả (Democratic Left Party - DSP).       

 

II. KINH TẾ

- Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế phát triển và là thành viên của G-20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới).

- Từ năm 1960 đến 2012, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trung bình là 4.5%. Bước sang thế kỷ XXI, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có những bước phát triển ấn tượng, cả trên lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một trong những nước sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, vật liệu xây dựng,... lớn nhất thế giới. Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStat), năm 2017, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 7.4%. Năm 2019, tỉ lệ tăng GDP hàng năm là 0.9%, GDP khoảng 754.8 tỉ USD và GDP trên đầu người đạt 9.140 USD. Từ năm 1993 đến 2010, tỉ lệ tầng lớp trung lưu tăng từ 18% lên 41% dân số. 


III​. KHÁI QUÁT QUAN HỆ VIỆT NAM - THỔ NHĨ KỲ

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập ngày 07/6/1978. Tháng 10/1999, văn phòng đại diện thương mại Việt Nam tại Istanbul được thành lập và nâng cấp lên thành Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2002. Sau đó, Tổng Lãnh sự quán được nâng cấp lên thành Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10/2003 và chuyển về thủ đô Ankara. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Nội, Việt Nam, được thành lập tháng 2/1997. 

Quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó, đáng chú ý là chính trị - ngoại giao, kinh tế và văn hóa - giáo dục.

Trên lĩnh vực ngoại giao song phương, Bộ Ngoại giao hai nước đã tiến hành họp Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng lần thứ 3 tại Hà Nội tháng 3/2014.  Từ khi các cơ quan đại diện ngoại giao được thành lập, nhiều chuyến thăm chính thức đã diễn ra giữa hai nước.

Các đoàn của Việt Nam thăm Thổ Nhĩ Kỳ:

  • Bộ trưởng Công thương Lê Văn Triết (tháng 8/1997);

  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh (từ ngày 24/5-05/6/1998);

  • Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (từ ngày 28/10-01/11/1999);

  • Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (tháng 6/2005);

  • Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng (tháng 9/2005);

  • Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh (tháng 8/2007);

  • Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Quốc Uy (tháng 10/2007).

  • Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (tháng 6/2009); 

  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (tháng 02/2011); 

  • Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (tháng 6/2010 và tháng 5/2011); 

  • Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (tháng 4/2013); 

  • Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (tháng 01/2014), 

  • Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng (tháng 4/2015),

  • Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (tháng 5/2015), 

​Các đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ thăm Việt Nam:

  • Bộ trưởng Ngoại giao Ismail Cem (tháng 2/1998);

  • Đặc phái viên của Bộ trưởng Ngoại giao (tháng 4/2006);

  • Bộ trưởng Nội vụ thăm Việt Nam và dự Ủy ban kinh tế hỗn hợp (tháng 8/2006);

  • Đại sứ, Đặc phái viên của Bộ trưởng Ngoại giao (tháng 12/2007);

  • Thứ trưởng Ngoại giao Unal Cevikoz (tháng 01/2010); 

  • Bộ trưởng Ngoại giao Ahmed Davutoglu (tháng 7/2010); 

  • Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh Bulent Arinc (tháng 02/2011); 

  • Đại sứ, Tổng Vụ trưởng Hợp tác kinh tế sông phương Bộ Ngoại giao Ali Riza Colak (tháng 11/2013); 

  • Thứ trưởng phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương Omer Onhon (tháng 3/2014). 

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, nhiều đoàn cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã thăm chính thức lẫn nhau. Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Çavuşoğlu thăm Việt Nam tháng 3/2015. Bộ trưởng Lao động và An sinh xã hội Mehmet Muezzinoglu thăm Việt Nam tháng 7/2017. Chuyến thăm chính thức của ngài Binali Yıldırım, Thủ tướng đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22-24/8/2017, được xem như bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương hai nước. Chiều ngược lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10/2018 và đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban dân vận Trung ương, thăm Thổ Nhĩ Kỳ tháng 8/2019, theo lời mời của Chính phủ nước bạn.

Trên lĩnh vực ngoại giao đa phương, Chính phủ hai nước đã đồng ý ủng hộ lẫn nhau tại nhiều tổ chức quốc tế mà cả hai đều là thành viên.    

Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại (không tính dầu khí) lớn nhất tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, cần phát triển mối quan hệ này theo hướng cân bằng hơn và giảm thặng dư thương mại. Quan hệ thương mại song phương tăng từ 1.1 tỉ USD năm 2011 lên xấp xỉ 2.2 tỉ USD năm 2014 và đạt đỉnh 3.2 tỉ USD năm 2017. Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 3 tỉ USD năm 2017, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy tính và các linh kiện điện tử, điện thoại di động và cố định, các sản phẩm nông nghiệp như: hải sản, hạt tiêu và chè. Nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đạt 224 triệu USD, với các sản phẩm chủ yếu là máy móc, vải sợi, các sản phẩm y tế và hóa học. Năm 2018, quan hệ thương mại song phương đạt trên 2.1 tỉ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1.8 tỉ USD và nhập khẩu 308 triệu USD. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 1.5 tỉ USD trên tổng số kim ngạch thương mại 1.8 tỉ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương đạt 456.9 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 375.7 triệu USD, và nhập khẩu 81.2 triệu USD, giảm 33.5% và 23.1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Con số đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam tăng lên từ năm 2017. Năm 2017, Thổ Nhĩ kỳ đầu tư 708.2 triệu USD tại Việt Nam với 18 dự án. Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 25 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 19 dự án và tổng số vốn là 708.4 triệu USD. Năm 2019, có thêm 03 dự án mới trị giá 150.000 USD. Hầu hết các dự án tập trung vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp và sản xuất các mặt hàng tiêu dùng nhanh.

Cho đến nay, 7 vòng họp của Ủy ban kinh tế và thương mại chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã diễn ra, với sự tham gia của các cơ quan Bộ, Ban, Ngành có liên quan đến từ hai nước.

Hiện nay, Hiệp định Thương mại tự do đang được hai Chính phủ nghiên cứu.

Trên lĩnh vực hợp tác văn hóa và giáo dục, việc hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) mở đường bay thẳng nối liền Istanbul với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2016 đã thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm đều cung cấp một số học bổng cho sinh viên Việt Nam học ở trình độ cử nhân và sau đại học tại nhiều trường Đại học, và các học bổng khác cho cán bộ ngoại giao trẻ của Việt Nam tham gia vào các khóa học ngắn hạn về ngoại giao. Năm học 2014-2015, 12 sinh viên Việt Nam được trao học bổng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để sang học tại các trường đại học khác nhau.

Năm 2014, đại diện của hai Chính phủ đã ký kết Hiệp định hợp tác về du lịch. Về phía Việt Nam, một vài doanh nghiệp như: Viettravel, Travelshop Vietnam, VYC, Saigon Tourist,... đã tích cực quảng bá về đất nước và con người Thổ Nhĩ Kỳ và đưa khách du lịch Việt sang Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2011, việc hai thành phố Ankara và Hà Nội kết nghĩa với nhau được xem như điểm khởi đầu tích cực cho việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Ngày hội Văn hóa Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên được tổ chức tháng 12/2018 tại Ankara.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​